Chuyển tới nội dung

Tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa, Bộ môn trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia

03.10.2023

Sáng ngày 03/10/2023, trong khuôn khổ của Hội thảo khoa học quốc gia năm 2023 “Phát triển và quản lý bền vững tài nguyên và môi trường: Từ miền núi tới ven biển”, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Tài nguyên nước, Khoa Khoa học biển và Hải đảo, Bộ môn Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững (10/2013 - 10/2023). 

Tham dự và chủ trì chương trình có PGS.TS Hoàng Anh Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường. 

Về phía các đồng chí nguyên lãnh đạo Nhà trường, lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ có Nhà giáo nhân dân, PGS.TS Hoàng Ngọc Quang - Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường; Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Trần Duy Kiều - Nguyên Phó hiệu trưởng Nhà trường; Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Phạm Qúy Nhân - Nguyên Phó hiệu trưởng Nhà trường; TS Nguyễn Đăng Đạo - Nguyên lãnh đạo Khoa Khoa học biển và Hải đảo; PGS.TS Bùi Xuân Thông - Nguyên lãnh đạo Khoa Khoa học biển và Hải đảo; PGS.TS Nguyễn Thế Hưng - Nguyên lãnh đạo Bộ môn Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững.

Ngoài ra chương trình có sự tham gia của các Nhà khoa học, các Chuyên gia nghiên cứu đến từ các Viện, các trường đại học trong nước và toàn thể cán bộ giảng viên, đại diện học viên, sinh viên trong trường.

PGS.TS Hoàng Anh Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường thay mặt Lãnh đạo Nhà trường báo cáo tóm tắt tình hình phát triển của Trường

Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Hoàng Anh Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường đã thay mặt Lãnh đạo Nhà trường báo cáo tóm tắt tình hình phát triển và tuyển sinh của các Khoa trong những năm gần đây. Trong báo cáo, PGS.TS Hoàng Anh Huy cho biết, năm 2023 Nhà trường đã tuyển sinh được gần 3500 sinh viên, có 16/23 ngành có điểm chuẩn từ 22 điểm trở lên, một số ngành các năm trước tuyển sinh còn khó khăn như Biến đổi khí hậu, Quản lý tài nguyên nước, Kỹ thuật địa chất,… trong năm 2023 đã có nhiều khởi sắc, về cơ bản đã đạt được chỉ tiêu đề ra. Cũng trong năm 2023, Nhà trường đã hoàn thành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học chu kỳ 2 và được cấp giấy chứng nhận kiểm định ngày 02/6/2023, trong thời gian tiếp theo Nhà trường sẽ tiếp tục tiến hành kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo đại học và sau đại học.

Nhân dịp này, PGS.TS. Hoàng Anh Huy cũng gửi lời chúc mừng và lời tri ân chân thành nhất tới các lãnh đạo, các cán bộ, giảng viên các thế hệ đi trước đã cống hiến lo lớn và góp phần vào sự phát triển chung của Nhà trường. PGS.TS. Hoàng Anh Huy mong muốn các thế hệ đi trước sẽ luôn dõi theo, quan tâm và ủng hộ Nhà trường trong chặng đường tiếp theo.

TS Nguyễn Hồng Lân - Trưởng Khoa Khoa học biển và Hải đảo

Đại diện lãnh đạo Khoa Tài nguyên nước, Khoa Khoa học biển và Hải đảo, Bộ môn Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững, TS Nguyễn Hồng Lân - Trưởng Khoa Khoa học biển và Hải đảo đã tóm tắt quá trình hình hình và phát triển của 3 đơn vị. TS Nguyễn Hồng Lân cho biết, trong thời gian tới, các Khoa/Bộ môn sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học theo ngành đào tạo. Tiếp tục triển khai các đề tài, dự án và tham gia xây dựng, đấu thầu những đề tài, dự án mới. Trên cơ sở đó xây dựng phát triển đổi mới chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng và phương pháp đào tạo theo hướng tích cực, hiện đại, xây dựng học liệu số, bài giảng số,… nhằm đáp ứng yêu cầu của người học, người sử dụng lao động và đạt chuẩn thường xuyên cập nhật đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của sinh viên, nhà tuyển dụng và nhu cầu thị trường. Cũng theo kế hoạch phát triển các Khoa/bộ môn trong thời gian sắp tới sẽ xây dựng CTĐT thạc sỹ các ngành QLTNN, BĐKH&PTBV để có thể bắt đầu đào tạo từ năm 2024. 

Nhà giáo nhân dân, PGS.TS Hoàng Ngọc Quang - Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại chương trình, Nhà giáo nhân dân, PGS.TS Hoàng Ngọc Quang - Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường đã chúc mừng và đánh giá cao những kết quả mà thầy và trò Nhà trường đạt được trong những năm qua. Thầy hy vọng Ban lãnh đạo Nhà trường tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, đưa Trường ĐH TNMT HN ngày càng phát triển, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, tạo một môi trường học tập và nghiên cứu tốt nhất cho sinh viên, xứng đáng với vai trò và vị thế của Nhà trường.

Trong phiên Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển và quản lý bền vững tài nguyên và môi trường: Từ miền núi tới ven biển”, PGS.TS Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết Hội thảo đã nhận được 51 bài tham dự của các nhà khoa học trong và ngoài trường, như: Đại học Nông Lâm TP.HCM, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia,.… với nhiều nhóm chủ đề như: Bảo tồn và phục hồi nguồn nước phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội: từ lý thuyết đến thực tiễn; Khoa học cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Phát triển và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Chiến lược quản lý và tái chế chất thải bền vững; Du lịch và nghỉ dưỡng bền vững ở khu vực vùng núi và ven biển; Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và chiến lược thích ứng,…Trong đó, có 5 bài tham luận đã được Hội đồng khoa học lựa chọn trình bày và thảo luận tại Hội thảo.

PGS.TS Phạm Qúy Nhân - Trường ĐH TNMT HNtham luận về cách tiếp cận toàn diện đối với quản lý bền vững nước dưới đất tại khu vực bán khô hạn vùng đồng bằng Ninh Thuận, Việt Nam

Báo cáo tham luận về cách tiếp cận toàn diện đối với quản lý bền vững nước dưới đất tại khu vực bán khô hạn vùng đồng bằng Ninh Thuận, Việt Nam, PGS.TS Phạm Qúy Nhân - Trường ĐH TNMT HN chi biết đồng bằng ven biển Ninh Thuận là vùng khô hạn nhất ở Việt Nam, luôn bị thiếu nước vào những tháng đầu năm (từ tháng giêng tới tháng tư). Nước dưới đất là nguồn nước vô cùng quý giá và duy nhất cung cấp nước cho ăn uống sinh hoạt trong khoảng thời gian này. Chính vì vậy, mục đích của nghiên cứu là xây dựng cách tiếp cận toàn diện trong quản lý bền vững tài nguyên nước vùng bán khô hạn này. Trong nghiên cứu này, mô hình dòng chảy nước dưới đất với mật độ thay đổi (SEAWAT) được xây dựng để dự báo tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chưa xét đến sự thay đổi do khai thác nước dưới đất. Kết quả này giúp chúng ta hiểu được xu hướng xâm nhập mặn và hạ thấp mực nước trong khu vực nghiên cứu.

 Sau đó, các kịch bản khai thác nước dưới đất khác nhau và sự phát triển nước dưới đất như đập ngầm, bồn thấm ngầm được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Các kết quả dự báo sẽ cho thấy các tác động tới hệ thống nước dưới đất trong khu vực như thay đổi mực nước dưới đất và xâm nhập mặn, việc kiểm soát lưu lượng khai thác và phương pháp phát triển nguồn nước dưới đất như đập ngầm và bồn thấm có thể cho phép tăng tới 50.000 m3 /ngày tới năm 2050 mà không gây ảnh hưởng xấu tới hệ thống tầng chứa nước.

PGS.TS Trịnh Lê Hùng - Học viện Kỹ thuật Quân sự tham luận về Nghiên cứu biến động diện tích nước mặt một số hồ chứa tại tỉnh Đắk Lắk trong mùa khô 2019 - 2020 bằng dữ liệu ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao Sentinel 2 msi

Tham luận của PGS.TS Trịnh Lê Hùng - Học viện Kỹ thuật Quân sự đã trình bày về Nghiên cứu biến động diện tích nước mặt một số hồ chứa tại tỉnh Đắk Lắk trong mùa khô 2019 - 2020 bằng dữ liệu ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao Sentinel 2 msi. Phương pháp xác định lượng nước từ ảnh viễn thám phục vụ tốt cho việc nghiên cứu lĩnh vực tài nguyên và môi trường và có thể xử lý trực tuyến dữ liệu viễn thám. Hệ thống đã giúp tích trữ kho dữ liệu khổng lồ từ quang học, radar,… xử lý trực tuyến trên nền tảng này khi tải ảnh về… giúp khắc phục khó khăn về hạ tầng, viễn thám,…

Ngoài ra hội thảo còn dành nhiều thời gian để thảo luận về các vấn đề liên quan, như Phát triển du lịch bền vững tại Sầm Sơn, Thanh Hóa: Cơ hội và thách thức; Phát triển và quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Việt Nam; nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của mật độ cây trong rừng ngập mặn đến tỷ lệ sóng truyền bằng mô hình mã nguồn mở SWAN VÀ SWASH; rừng ngập mặn và sinh kế cộng đồng ven biển đồng bằng sông cửu long: nghiên cứu tại 4 xã thuộc các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre và Bạc Liêu.

Với mục đích trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và chuyên môn học thuật với các nhà khoa học, Hội thảo khoa học quốc gia năm 2023 “Phát triển và quản lý bền vững tài nguyên và môi trường: Từ miền núi tới ven biển”đã được tổ chức thành công và nhận được sự quan tâm, thảo luận của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình

Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia năm 2023 xem tại đây


Bài viết khác