Giới thiệu khoa Khí tượng thủy văn
Khoa Khí tượng thủy văn là khoa có lịch sử phát triển hơn 70 năm qua. Xuất thân từ trường đào tạo cán bộ khí tượng, trải qua thời kỳ phát triển khá dài trở thành trường cao đẳng khí tượng thủy văn, có thể nói khoa là tiền thân của trường đại học tài nguyên và môi trường Hà Nội hiện nay.
Sứ mệnh và tầm nhìn
Khoa Khí tượng Thủy văn là đơn vị chuyên môn trực thuộc trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có sứ mệnh:
- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Khí tượng, Thủy văn găn với mục tiêu phòng chống thiên tai và phát triển bền vững.
- Nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, đổi mới sáng tạo, góp phần phục vụ cộng đồng và xã hội.
- Nghiên cứu khoa học gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực góp phần vào việc phát triển bền vững sự nghiệp đào tạo.
Tầm nhìn:
- Tiếp tục củng cố và phát triển ngành truyền thống Khí tượng – Khí hậu học và Thủy văn học để giữ vững vai trò đầu ngành trong đào tạo và NCKH về lĩnh vực khí tượng thủy văn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
- Đến năm 2035, là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trọng điểm quốc gia về khí tượng thủy văn.
- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt trình độ hàng đầu trong nước, tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nhằm giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Khí tượng – Thủy văn và các lĩnh vực liên quan.
Cơ cấu tổ chức:
Khoa Khí tượng thủy văn hiện nay có 2 bộ môn:
- Bộ môn Khí tượng.
- Bộ môn Thủy văn.
Đội ngũ giảng viên của khoa hiện nay gồm 18 giảng viên cơ hữu, gồm: 01 giáo sư, 5 tiến sĩ và 11 thạc sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra còn có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các Phó giáo sư, Tiến sĩ đang công tác tại các viện nghiên cứu, cục Khí tượng Thủy văn ...
Chương trình đào tạo
Khoa Khí tượng thủy văn hiện đang đào tạo thạc sĩ và đại học các ngành:
- Khí tượng và khí hậu học.
- Thủy văn học.
Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng ứng dụng, kết hợp lý thuyết với thực tiễn, nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn vững vàng và kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành. Trong quá trình học tập học viên, sinh viên được tham gia thực hành thực tập tại các viện nghiên cứu, các đơn vị của cục Khí tượng Thủy văn ...
Hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác.
Khoa Khí tượng Thủy văn có mạng lưới hợp tác, học thuật sâu rộng cả trong và ngoài nước.
- Đối tác quốc tế: Khoa Khí tượng Thủy văn có mạng lưới hợp tác với các trường, Viện quốc tế về giáo dục và nghiên cứu như: Đại học Bách Khoa Milan (Ý), Trường Đại học Công nghệ TUDelft (Hà Lan); Viện Công nghệ Câu Á AIT (Thái Lan); Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich), ...
- Đối tác trong nước: Mạng lưới hợp tác sâu rộng trên khắp cả nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, hàng không ... Hợp tác với Cục Khí tượng Thủy văn, các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh, các Viện, trung tâm nghiên cứu như Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trúng tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Viện Quy hoạch Thủy lợi.. Ngoài ra, còn hợp tác với nhiều Công ty tư vấn thiết kế, thi công, khảo sát...
- Các đề tài, dự án:
Các giảng viên trong khoa đã và đang chủ trì các nhiệm vụ khoa học các cấp: 1 đề tài cấp nhà nước; 15 đề tài, dự án cấp bộ và cấp tỉnh; 16 đề tài cấp cơ sở.
Các sinh viên trong khoa đã và đang thực hiện 29 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Trong đó, có nhiều đề tài đạt giải nghiên cứu sinh viên cấp trường và cấp bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Bài báo khoa học: Các giảng viên trong khoa Khí tượng Thủy văn đã công bố khoảng 200 công trình khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín, hội thảo. Trong đó có 30 bài báo quốc tế.




