Giới thiệu bộ môn Ngoại ngữ
Bộ môn Ngoại ngữ trực thuộc Trường ĐHTN&MTHN được thành lập năm 2011 theo Quyết định số 1921/QĐ-ĐHHN ngày 19/9/2011 của Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Bộ môn Ngoại ngữ tiền thân là một Bộ môn trực thuộc Khoa Khoa học Đại cương, sau được tách riêng thành một đơn vị độc lập trực thuộc Ban giám hiệu.
Trải qua thời gian, từ chỗ đơn thuần chỉ giảng dạy các học phần tiếng Anh cơ bản, Bộ môn đã không ngừng vươn lên, phát triển, đến nay đã đủ sức gánh vác nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến chuyên môn cho nhà trường và cho một số cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường, bao gồm giảng dạy các chương trình tiếng Anh cơ bản, tiếng Anh chuyên ngành, chương trình tiếng Anh cho hệ thạc sĩ, biên soạn chương trình, giáo trình, tham gia tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế do trường Đại học Tài nguyên và Môi trường tổ chức, tham gia các hội đồng tuyển dụng viên chức, công chức, nâng ngạch, thăng hạng viên chức cho trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chủ trì ngành đào tạo Ngôn ngữ Anh.
Mục tiêu phát triển của Bộ môn Ngoại ngữ:
Mục tiêu chung
Phát triển Bộ môn Ngoại ngữ trở thành đơn vị đào tạo không chỉ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy các học phần ngoại ngữ, NCKH trong lĩnh vực ngôn ngữ, giáo dục ngôn ngữ mà còn đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Anh, đặc biệt là đào tạo chuyên sâu và NCKH về ngoại ngữ gắn với lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Đào tạo ra những con người có phẩm chất, trí tuệ, sức khỏe và trách nhiệm với đất nước; có đủ năng lực, trình độ để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong các lĩnh vực đào tạo của Nhà trường nói chung và trong lĩnh vực về ngoại ngữ nói riêng; có nhu cầu tự học, tự nghiên cứu để tích luỹ kiến thức, tự chịu trách nhiệm xã hội, chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và sự đổi mới của khoa học công nghệ.
Mục tiêu cụ thể
Phát triển chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, trang bị kiến thức nền tảng vững chắc, đồng thời chú trọng phát triển năng lực thực hành nghề nghiệp và khả năng thích ứng với môi trường làm việc hiện đại. Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng những công nghệ giáo dục mới, thúc đẩy quá trình tự học qua nghiên cứu, sáng tạo và trải nghiệm.
Phát triển hài hòa và gắn kết chặt chẽ giữa học tập và ứng dụng, trải nghiệm nghề nghiệp; gắn kết nghiên cứu với đào tạo, thúc đẩy chuyển giao tri thức và thương mại hóa sản phẩm; chú trọng đồng thời nâng cao thành tích và phát triển tiềm lực nghiên cứu.
Phát triển theo định hướng hội nhập với khu vực và quốc tế, tiếp thu chọn lọc những mô hình và kinh nghiệm thành công của các trường đại học đầu ngành trong và ngoài nước về giảng dạy ngôn ngữ. Đào tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh, nâng cao trách nhiệm xã hội, coi người học là chủ thể, trung tâm của mọi hoạt động đào tạo.
Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo về ngôn ngữ tại Việt Nam và trên thế giới;
Thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội và phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực đào tạo và các lĩnh vực gắn với ngành tài nguyên và môi trường.
Cơ cấu tổ chức
Theo cơ cấu tổ chức bộ máy đã được phê duyệt, BMNN có 01 Trưởng BM, 2 Phó trưởng BM.
Về nhân lực: Tính đến tháng 6 năm 2025, BMNN có 36 viên chức và người lao động, trong đó có 35 GV, với 01 tiến sĩ, 27 thạc sĩ và 07 cử nhân.
Công tác đào tạo
BMNN đã có những bước phát triển nhanh, vững chắc trên mọi lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo. Năm 2011, khi mới thành lập BM chỉ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy các học phần tiếng Anh cơ bản cho các ngành đào tạo đại học của Nhà trường, tuy nhiên hiện nay ngoài nhiệm vụ truyền thống đó BM còn tham gia giảng dạy một số học phần tiếng Anh chuyên ngành và chủ trì ngành đào tạo ngôn ngữ Anh bậc đại học.
Công tác NCKH
Trong những năm qua BMNN đã có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh nghiên cứu khoa học.
Hiểu được vai trò của hoạt động NCKH trong giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng, đội ngũ GV BMNN đã tích cực tham gia nghiên cứu, tìm hiểu và bước đầu đạt được những thành tích. Thành tích cụ thể trong 5 năm gần đây trong lĩnh vực này của cán bộ, GV của BMNN như sau:
- 16 đề tài NCKH cấp cơ sở được nghiệm thu.
- Xuất bản được 01sách chuyên khảo, 05 giáo trình.
- 111 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế.
NCKH trong SV cũng được BM coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và giúp cho SV bước đầu làm quen với công việc này. Trong 5 năm qua, GV BM đã hướng dẫn thành công 19 đề tài NCKH SV ngành Ngôn ngữ Anh. Trong số đó một số đề tài đã được lựa chọn tham dự các cuộc thi nghiên cứu khoa học của trường và đạt giải.
Thi đua khen thưởng
BMNN đã có nhiều cố gắng trong công tác và đạt được nhiều thành tích, cụ thể như sau:
Các danh hiệu thi đua vàhình thức khen thưởng của Bộ môn Ngoại ngữ trong giai đoạn 2020 - 2024
Năm | Thành tích | Quyết định |
2020 | Giấy khen | QĐ số 40/QĐ-HĐTĐHHN ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Hội đồng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội |
2021 | Tập thể lao động tiên tiến | NQ số 63/NQ-HĐTĐHHN ngày 31 tháng 03 năm 2022 của Hội đồng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội |
2022 | Tập thể lao động tiên tiến | Quyết định số: 484 /QĐ-TĐHHN ngày 20 tháng 03 năm 2023 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội |
2023 | Tập thể lao động tiên tiến | Quyết định số: 653 /QĐ-TĐHHN ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội |
2024 | Tập thể lao động tiên tiến | Quyết định số 469/QĐ-TĐHHN, ngày 11 tháng 02 năm 2025 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội |
Định hướng phát triển của Bộ môn Ngoại ngữ
- Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo ngành ngôn ngữ Anh và xây dựng nền móng để mở rộng đào tạo thêm một số ngôn ngữ khác như ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Nhật Bản, … đáp ứng đòi hỏi về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực do bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý và nhu cầu của thị trường lao động.
- Tiếp tục tăng quy mô đào tạo kết hợp với từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng dạy, cán bộ phục vụ, cử GV đi làm NCS.
- Phát triển chương trình đào tạo, nâng cao số lượng và chất lượng giáo trình, tăng cường nguồn học liệu qua nhiều kênh, đổi mới phương pháp giảng dạy.
- Phát triển công tác nghiên cứu khoa học theo định hướng ứng dụng về giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học, quốc tế học và một số lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có liên quan nhằm phục vụ cộng đồng, xã hội và đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, gắn với chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục, đào tạo, KH&CN và phát triển trường Đại học TN&MTHN.
- Mở rộng hợp tác với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước.