Chuyển tới nội dung

Trường ĐH TN&MT HN hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024

15.03.2024

      Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2024 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Khi nguồn nước bị khan hiếm hoặc ô nhiễm, khi mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn hoặc không được tiếp cận nước một cách bình đẳng, căng thẳng có thể gia tăng giữa những cộng đồng và các quốc gia. 

Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2024 “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”

     Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, nước có thể là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau.

Khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Nước thế giới năm 2024

     Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2024 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề là “At the frontline of climate action” – “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”. Qua đó, có thể thấy những nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm và chủ động hành động vì khí hậu là vấn đề toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó rủi ro thiên tai, đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu; đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho cộng đồng nhằm chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2024 “At the frontline of climate action” – “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”

     Ngày Khí tượng Thế giới ra đời vào ngày 23 tháng 3 năm 1950, kể từ khi Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có hiệu lực. Công ước này thể hiện sự đóng góp thiết yếu của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia đối với sự an toàn và thịnh vượng của xã hội. Mục tiêu Phát triển Bền vững số 13 “Thực hiện hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của BĐKH” được Liên Hợp Quốc thông qua và cam kết rằng Mục tiêu này là nền tảng hỗ trợ việc thực hiện tất cả các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác.

Khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Khí tượng thế giới

     Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Reducing Carbon footprint towards Net Zero” - “Giảm thải dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero”. với sự kiện chính tắt đèn trong 1 giờ sẽ diễn ra vào tối ngày 23/3. Thông điệp năm nay nhấn mạnh mạnh hành trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” - Net Zero, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trong đó áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, mở rộng các hành lang đa dạng sinh học, các khu bảo tồn; giảm thiểu phát thải; chuyển đổi năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực; đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ nhằm giảm áp lực lên môi trường tự nhiên. Đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 28 (COP28) để cùng với thế giới hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”

     Chúng ta có thể làm gì để “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”

     - Ngắt phích cắm điện khi không sử dụng quá 30 phút;

     - Tắt công tắc khi ra khỏi phòng, ưu tiên dùng đèn LED, đèn cảm ứng;

     - Di chuyển bằng các phương tiện công cộng như xe bus, hay các phương tiện “Xanh” như xe điện, xe đạp, đi bộ;

     - Đem và sử dụng túi sinh thái khi đi mua sắm hàng hóa;

     - Hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần;

    - Chụp ảnh và đăng hoạt động lên mạng xã hội với hastag #Giờ_Trái_Đất để lan tỏa thông điệp đến bạn bè và những người xung quanh.

Khẩu hiệu tuyên truyền Giờ trái đất năm 2024

     Để hưởng ứng các sự kiện quan trọng nêu trên, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chủ đề Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 như: 

     - Triển khai phổ biến rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học viên, sinh viên của Trường các nội dung về Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024; 

     - Treo pano, băng rôn, áp phích tuyên truyền được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại trụ sở chính của Trường;

    -  Đăng tải, tuyên truyền trọng tâm các nội dung về Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024 trên các website; Tích cực chia sẻ các phóng sự, pano, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, hình ảnh, các chương trình trực tuyến, tài liệu truyền thông các sự kiện trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, TikTok kèm các hashtag: #NgayNuocthegioi2024, #NgayKhituongthegioi2024, #GioTraidat2024,…..

     - Hưởng ứng và thực hiện hoạt động “Tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 đến 21h30 ngày 30 tháng 3 năm 2024 (Thứ Bảy);

     - Cán bộ, viên chức, người lao động và học viên sinh viên Nhà trường duy trì thường xuyên, liên tục thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, sản xuất nông ngư nghiệp cho đến tiêu thụ tại hộ gia đình nhằm cân bằng giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu chuyển đổi tối đa sang năng lượng tái tạo,….

Sinh viên Trường ĐH TN&MT HN tổ chức chương trình “đổi giấy lấy cây” hưởng ứng các sự kiện Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024

 

Nguồn thông tin và ảnh: Tổng cục Khí tượng thủy văn, Báo Tài nguyên và Môi trường


Bài viết khác