Chuyển tới nội dung

Tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế GIS - IDEAS: “Công nghệ tích hợp địa không gian với các tai biến thiên nhiên và những vấn đề về môi trường”

08.11.2023

Ngày 07 và 08/11/2023, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế GIS - IDEAS “Công nghệ tích hợp địa không gian với các tai biến thiên nhiên và những vấn đề về môi trường”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 400 nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu và sinh viên đến từ các Trường Đại học trong nước và quốc tế.

GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Chủ tịch Hội đồng Trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Chủ tịch Hội đồng Trường cho biết, là cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của Bộ TN&MT về các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên và môi trường, Nhà trường đã cam kết hợp tác với các nhà khoa học trên thế giới để nghiên cứu tìm ra những giải pháp ứng phó với thiên tai và giải quyết các vấn đề về môi trường.

Chính vì vậy, Thông qua Hội thảo lần này, Nhà trường hy vọng mang đến một diễn đàn lớn để các nhà khoa học toàn cầu chia sẻ các sáng kiến cùng những công nghệ tiên tiến liên quan đến Địa tin học, Viễn thám,… và từ đó có thể củng cố, phát triển ứng dụng các công nghệ dự báo, cảnh báo các hiểm họa về thiên tai, hướng tới tương lai bền vững cho Việt Nam và trên toàn thế giới.

GS. Venkatesh Raghavan – Đại diện Đại học Osaka Nhật Bản

GS. Venkatesh Raghavan - Đại diện Đại học Osaka Nhật Bản mong muốn, thông qua Hội thảo khoa học này, sự phối hợp chặt chẽ giữa Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và các nhà khoa học quốc tế sẽ mang đến những đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và tìm ra giải pháp ứng phó với hiểm họa thiên tai đang diễn ra ngày một phức tạp hiện nay.

TS. Nghiêm Vũ Khải – Người sáng lập GIS – IDEAS phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nghiêm Vũ Khải - Người sáng lập GIS – IDEAS vui mừng khi Hội thảo nhận được rất nhiều nghiên cứu quý giá đến từ các GS, TS và các Nhà nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Theo đó, TS. Nghiêm Vũ Khải cho biết, GIS – IDEAS đã đi vào hoạt động từ năm 2002 cho đến nay và nhận được sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học quốc tế đến từ các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Phillipine, Italia, Đức và Hoa Kỳ,...GIS - IDEAS 2023 năm nay được tổ chức tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, khí hậu và trái đất hiện nay cũng như giúp phát triển đội ngũ nhân lực tri thức hùng hậu để thực hiện những nghiên cứu khoa học quan trọng trong bối cảnh mới.

GS.TS Võ Chí Mỹ - Phó Chủ tịch Hội Đo đạc Bản đồ và Viễn thám Việt Nam

Nhấn mạnh sự cần thiết và nội dung chính trong Hội thảo, GS.TS Võ Chí Mỹ - Phó Chủ tịch Hội Đo đạc Bản đồ và Viễn thám Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động cụ thể nhằm phát triển kinh tế xã hội bền vững. Trong đó, có thể kể đến việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và quá trình chuyển đổi năng lượng các tại các địa phương trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tất cả đều được quan tâm, thực hiện sát sao hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” đến 2050 mà Việt Nam đã cam kết trong COP 26.

Vì vậy, câu hỏi lớn cần được trả lời trong Hội thảo lần này chính là làm thế nào để công nghệ địa tin học phát huy tiềm năng và mang đến những ích lợi gì trong công tác kiểm soát, giảm thiểu tình trạng nguy hiểm từ thiên tai mang lại cho con người và chúng ta sẽ làm gì để hướng đến mục tiêu chung trong việc giảm phát thải ròng bằng “0”. Do đó, trong Hội thảo, các diễn giả, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cần phải chỉ rõ, xác định những thông tin cần thiết trong nghiên cứu của mình để có thể tạo nên hiệu ứng lan toả rộng hơn nữa nhằm giải quyết vấn đề lớn về BĐKH, thiên tai nguy hiểm,…

Phiên thảo luận và giới thiệu poster trong đề tài nghiên cứu

Trong 2 ngày 7/11 và 08/11, Hội thảo được chia thành các phiên thảo luận với từng chủ đề khác nhau như: Phiên 1 – GIS phục vụ phân tích, quy hoạch và quản lý không gian; Phiên 2 – Công nghệ tích hợp và AI: Dự đoán và cảnh báo các mối nguy hiểm tự nhiên và bảo vệ môi trường; Phiên 3 – GIS và viễn thám cho môi trường Chuyên ngành: Đất, nước, không khí; Phiên 4: Tham luận và giới thiệu poster trong đề tài nghiên cứu,…

Trong nghiên cứu “Cách tiếp cận mô hình SWASH đối với dòng chảy do sóng tần số thấp gây ra qua hàng rào gỗ” tại phiên thảo luận thứ 2 của TS. Đào Hoàng Tùng – Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ông đã chỉ ra, hiện nay, các bờ biển Đồng bằng Sông Cửu Long đã bị xói mòn và suy giảm ngập mặn diện rộng trong gần một thập kỷ. Do đó, hàng rào gỗ hoặc cấu trúc thấm được xem là một giải pháp cơ sở tự nhiên, áp dụng cho một số dự án phục hồi rừng ngập mặn dọc theo bờ biển.

TS. Đào Hoàng Tùng – Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường HN báo cáo tại Hội thảo

Theo mô hình SWASH do Đại học Công nghệ Delft phát triển, kết quả sóng sau khi phân biệt tần số cao và tần số thấp bằng với tần số cắt, cho thấy hiệu quả của hàng rào gỗ. Đồng thời giúp cho biên độ sóng tần số thấp ở vị trí thượng nguồn và hạ lưu đóng vai trò mạnh mẽ trong dòng chảy do sóng và việc vận chuyển trầm tích gây ra.

Tại phiên thảo luận thứ 3, “Đánh giá sự suy thoái của rừng ở Đồng bằng sông MeKong, Việt Nam bằng hình ảnh viễn thám World View 2”, đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày, bà Bùi Thanh Huyền – Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, bằng việc kiểm tra hình ảnh World View 2 theo chuỗi thời gian, cho thấy từ năm 2015 – 2020, ĐBSCL đã mất khoảng 16.200 ha rừng ngập mặn, chiếm khoảng 20,3% tổng diện tích rừng ngập mặn.

Không thể không kể đến những nguyên nhân làm suy thoái rừng ngập mặn như: yếu tố con người, đặc biệt là các hoạt động khai thác như tỉa thưa, chặt hạ lấy gỗ, than củi chu kỳ 10 – 15 năm ở rừng sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng,… Vì vậy, để bảo vệ diện tích rừng ngập mặn, trong cùng kỳ, Việt Nam đã có những nỗ lực khôi phục rừng ngập mặn hạn chế chuyển đổi rừng ngập mặn sang mục đích khác, thay đổi chế độ thuỷ văn hoặc nghiêm cấm khai thác trái phép và đề ra những mục đích bảo vệ và sử dụng đặc biệt đối với rừng ngập mặn, hiện nay tỷ lệ khôi phục rừng đã đạt khoảng 27.200 ha.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo


Bài viết khác