Chuyển tới nội dung

Tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc gia: “giải pháp kết nối và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác đào tạo, quản lý lĩnh vực tài nguyên, môi trường”

26.12.2021

Trong phiên làm việc buổi chiều, hội thảo khoa học quốc gia : “giải pháp kết nối và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác đào tạo, quản lý lĩnh vực tài nguyên, môi trường” tập trung vào các vấn đề chủ yếu như : Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành tài nguyên và môi trường phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; Các giải pháp tích hợp, bảo mật và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu số trong quản trị tổ chức và nghiên cứu khoa học; Giải pháp số hóa dữ liệu thông minh trong quản lý lĩnh vực tài nguyên và môi trường và lĩnh vực đào tạo; Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức và doanh nghiệp; Trao đổi, chia sẻ việc khai thác và tạo lập cơ sở dữ liệu số phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Hội thảo là diễn đàn khoa học để các nhà khoa học chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, các giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách; bổ sung và hoàn thiện các quy định kỹ thuật; thiết lập, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, liên ngành; xây dựng và phát triển các ứng dụng tri thức, hệ thống khai thác và quản lý thông minh; hợp tác quốc tế, đào tạo, chuyển giao công nghệ và truyền thông trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. 

PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH TN&MT HN phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận của các nhà khoa học đến từ các trường ĐH, trung tậm, các viện nghiên cứu về các nội dung: Các giải pháp kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu lĩnh vực tài nguyên môi trường cho các bên liên quan; Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên thông qua môn học tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường Đại học hiện nay; Ứng dụng khoa học công dân và điện thoại thông minh trong thủy văn - tài nguyên nước và thực trạng ở Việt Nam; Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác và quản lý khu vực huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của sinh viên: Các yếu tố ảnh hưởng và giải pháp.

Trao đổi tại hội thảo về vấn đề “Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên thông qua môn học tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường Đại học hiện nay” TS. Hoàng Thị Ngọc Minh - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định: “ Nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường đại học có vai trò quan trọng trong hình thành, củng cố nền tảng tư tưởng cho đội ngũ cán bộ tương lai của Đảng và Nhà nước. Từ học môn này, nhiều sinh viên đã cố gắng phấn đấu toàn diện cả về học tập, tu dưỡng đạo đức để trở thành Đoàn viên ưu tú, cảm tình Đảng và Đảng viên. Đối với sinh viên, đội ngũ trí thức tương lai của nước nhà, việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, gắn liền với phát triển kinh tế tri thức, hội nhập vào đời sống toàn cầu”

Một trong các vấn đề được hội thảo quan tâm và trao đổi tích cực đó là “Ứng dụng khoa học công dân và điện thoại thông minh trong thủy văn - tài nguyên nước và thực trạng ở Việt Nam” Quản lý tài nguyên nước hiệu quả yêu cầu tính sẵn có, cập nhật của dữ liệu về các đại lượng thủy văn. Tuy nhiên, nhiều khu vực trên thế giới đối mặt với việc thiếu dữ liệu, thông tin liên quan do khó khăn về mặt tài chính. Khoa học cộng đồng (citizen science) là phong trào toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, có khả năng liên kết các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ và sự tham gia của cộng đồng trong việc thu thập và chia sẻ các thông tin khoa học. Ngoài ra, trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ di động, kỹ thuật phân tích và xử lý dữ liệu cũng như các phương pháp truyền tải thông tin và tri thức, mở ra những cơ hội mới cho khoa học cộng đồng.

Trong lĩnh vực thủy văn tài nguyên nước, năm 2016, Phạm Quý Nhân và cộng sự đã giới thiệu mô hình KHCĐ, cách tiếp cận mới trong khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước. Nghiên cứu đã giới thiệu khái quát, về mô hình KHCĐ và khía cạnh nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước. Trong những năm gần đây mô hình này cũng đã được áp dụng trong việc quan trắc mực nước trên Sông Nhuệ dựa vào các bức ảnh được chụp từ cộng đồng và chia sẻ trên fanpage riêng của nhóm , phân loại sử dụng đất, hay phân tích chất lượng nước.

PGS.TS Phạm Qúy Nhân trao đổi tại hội thảo về vấn đề  “Ứng dụng khoa học công dân và điện thoại thông minh trong thủy văn - tài nguyên nước và thực trạng ở Việt Nam”

Các nghiên cứu trên đã chứng minh được tiềm năng của KHCĐ trong việc hỗ trợ các phương pháp truyền thống để thu thập dữ một cách hiệu quả. Cụ thể, mô hình này giúp cải thiện độ chính xác và giảm chi phí thu thập dữ liệu. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu hiện nay, chưa áp dụng các ứng dụng thu thập dữ liệu trên điện thoại thông minh, để thuận tiện cho việc quản lý, khai thác dữ liệu. 

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng KHCĐ và điện thoại thông minh để thu thập các thông tin trong thủy văn - tài nguyên nước. Điều này giúp nâng cao hiểu biết của con người về tài nguyên nước, tác động của thiên tai, lũ lụt, hạn hán đến cuộc sống của người dân, cũng như tăng cường khả năng ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại. Ở Việt Nam hiện nay cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số trong điều tra khảo sát, nhất là điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, một số mô hình KHCĐ cũng đã được áp dụng trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Sau khi nghe báo cáo tham luận của các đại biểu, các nhà khoa học, hội thảo tiến hành trao đổi, chia sẻ và thảo luận tích cực về các vấn đề được nêu ra. Đến chiều cùng ngày hội thảo đã được tổ chức thành công tốt đẹp, hướng đến nhiều giải pháp tích cực hiệu quả trong việc  kết nối và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác đào tạo, quản lý lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc hội thảo

Bài và ảnh: Ban Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh 


Bài viết khác