Chuyển tới nội dung

Hội thảo khoa học quốc gia Nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng KHCN trong sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

23.12.2021

      Sáng ngày 21/11, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường HN đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng KHCN trong sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”. Hội thảo được tổ chức kết hợp với hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

      Tham dự hội thảo có PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội chủ trì hội thảo. PGS.TS Trần Duy Kiều nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường , PGS. TS Phạm Qúy Nhân – nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh nguyên Hiệu trưởng nhà trường (Tham dự trực tuyến), các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường ĐH, trung tâm, các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu.

      Hàng năm, Nhà trường tổ chức hội thảo khoa học nhằm tạo dựng mạng lưới gắn kết các chuyên gia, các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trao đổi kinh nghiệm, học thuật, công nghệ mới phục vụ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hội thảo “Nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” với các chủ đề chính là khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên; Đánh giá, dự báo, cảnh báo, xử lý các vấn đề về môi trường; Biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; Quản lý rủi ro thiên tai; Ứng dụng khoa học công nghệ trong sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo

      Với các báo cáo khoa học và các thuyết trình từ các học viện, các trường đại học thuộc Câu lạc bộ Khối các trường đại học kỹ thuật, các trường đại học, các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo nên một thị trường nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường trên toàn lãnh thổ, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước. 

      Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội khẳng định việc Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là mục tiêu lâu dài, là nhiệm vụ chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong hội nhập toàn cầu thời đại công nghiệp 4.0. Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững. Riêng đối với các cơ sở giáo dục đại học thì nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ hàng đầu quan trọng nhất để khẳng định thương hiệu một trường đại học uy tín trong mạng lưới các trường đại học uy tín trong nước, trong khu vực và trên thế giới.

      PGS.TS. Lê Thị Trinh  cũng chia sẻ mong muốn: “Qua hội thảo này tôi cũng mong muốn các tổ chức nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý có nhiều hoạt động hợp tác với Nhà trường, đặc biệt là phối hợp xây dựng và triển khai các hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm xây dựng và củng cố mạnh mẽ mạng lưới các cơ sở đào tạo có uy tín, nâng cao thương hiệu các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường của Việt Nam”.

Toàn cảnh hội thảo 

      Trong phiên làm việc buổi sáng, hội thảo đã được nghe báo cáo tham luận của các nhà khoa học về các nội dung: Nghiên cứu đề xuất khung hướng dẫn lồng ghép nội dung NDC vào chiến lược, quy hoạch và kế hoạch (CQK) cho Việt; Kết nối dữ liệu và chuyển đổi số tài nguyên bản địa hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học; Xử lý nước nhiễm mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long: so sánh và đề xuất công nghệ thích ứng; Đánh giá hiện trạng chất lượng nước mùa khô trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và khả năng xử lý ứng dụng công nghệ xanh; Nghiên cứu sự thay đổi thành phần loài thực vật ngập mặn tại ven biển miền bắc Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Phục hồi rừng ngập mặn bằng tường mềm dọc bờ biển đồng bằng sông Cửu Long: cơ chế vật lý và thẩm định mô hình swash; Kết hợp dữ liệu vệ tinh trọng lực và thủy văn bề mặt để theo dõi diễn biến trữ lượng nước ngầm tại khu vực Bắc Trung bộ.

Ông Nguyễn Huy Du - Viện khoa học giáo dục và kinh tế Đông Nam Á (ISA) phát biểu tại hội thảo

 

Bài và ảnh: Ban Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh


Bài viết khác