Chuyển tới nội dung

Tiến tới phát thải ròng bằng không: Chính sách và thực tiễn

05.10.2022

Ngày 05/10, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Towards net zero emissions: Policy and Practice” (Tiến tới phát thải ròng bằng không: Chính sách và thực tiễn). 

Tham dự hội thảo, về phía Bộ TN&MT có TS. Vũ Thắng Phương - Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT; TS. Nguyễn Trung thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; TS. Nguyễn Hùng Minh và Th.S. Nguyễn Văn Minh - Đại diện Cục Biến đổi khí hậu gửi bài tham dự hội thảo.

Về phía trường ĐH TN&MT HN có GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương - Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Phạm Quý Nhân, PGS.TS. Trần Duy Kiều - Nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường và hơn 100 nhà khoa học, thầy cô giáo đến từ các trường đại học trong và ngoài nước.

Về phía đối tác nước ngoài, có TS. Jake Brunner - Đại diện Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN); Ông Angus Rebert Glover - Trường ĐH Central Landcashire; Ông Ivan White - Cơ Quan Hợp tác phát triển Ý tại Việt Nam.

GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương phát biểu khai mạc và chào mừng các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự hội thảo

Việc đưa thế giới về trạng thái phát thải ròng bằng không càng sớm càng tốt, chậm nhất là vào năm 2050 là mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm hạn chế những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.Do vậy, hội thảo quốc tế lần này tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến phát thải ròng bằng không, thực trạng về khí thải nhà kính không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước lân cận cũng được các nhà khoa học đưa ra để trao đổi và thảo luận.

Hội thảo đã nhận được 61 bài tham dự của các nhà khoa học trong và ngoài trường, như: Đại học Bách khoa TP.HCM; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Đại học Lâm nghiệp; Viện ứng dụng công nghệ; trường ĐH Quốc tế Gyeongsang Hàn Quốc;… Trong đó, có 10 bài tham luận đã được Hội đồng khoa học lựa chọn trình bày và thảo luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, Báo cáo về Chính sách phát thải ròng bằng không ở Việt Nam, TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN&MT cho biết, Việt Nam đang đứng thứ 21 trong nhóm các nước phát thải nhiều nhất trên thế giới và đang có chiều hướng gia tăng. Trong hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết: Đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050, không có thêm các dự án năng lượng than mới sau năm 2030 và cắt bỏ năng lượng than vào năm 2040, chấm dứt phá hủy rừng vào năm 2030 và giảm 30% phát thải khí methane vào năm 2030. Tuy nhiên, thị trường carbon ở nước ta hiện vẫn chưa phát triển, hệ thống đo lường, báo cáo, giám sát vẫn chưa được phát triển, các công nghệ sản xuất còn lạc hậu, quản lý chất thải còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu chính vì thế việc đưa phát thải ròng bằng không ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn và thử thách. 

TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT phát biểu báo cáo tại hội thảo

Cũng theo ông Nguyễn Trung Thắng, để giải quyết những vấn đề trên cần: Xây dựng và thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính theo ngành, như: Năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp, chất thải, tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, hệ sinh thái tự nhiên, phát triển công nghệ lưu trữ carbon; Xóa bỏ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách để chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững, thúc đẩy hiệu quả năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo; Xây dựng cơ chế, chính sách, phương thức khuyến khích, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, huy động các thành phần kinh tế tham gia doanh nghiệp, hợp tác công và tư trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Xây dựng và vận hành thị trường carbon, phân loại màu xanh lá cây, các công cụ tài chính như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh,…

Trao đổi về phát thải ròng đối với ngành Lâm nghiệp hiện nay, TS Thủy Phạm - Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) cho rằng ngành Lâm nghiệp có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia và doanh nghiệp đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng không. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp dành cho việc mở rộng nông nghiệp quy mô lớn và giải quyết tài chính cho các nguyên nhân gây mất rừng cao gấp 40 - 150 lần so với mức dành riêng cho việc bảo tồn rừng. Việc thiếu dữ liệu minh bạch về tài chính hay tình hình chính trị bất ổn dẫn đến tình hình phát triển lâm nghiệp ít được quan tâm cũng là thách thức lớn đối với vấn đề phát thải ròng hiện nay.

TS Thủy Phạm - Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) 

Ngoài ra hội thảo còn dành nhiều thời gian để thảo luận về các vấn đề liên quan, như: Áp dụng định giá carbon ở Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính và bảo tồn để tăng khả năng hấp thụ Carbon ở tỉnh Bình Thuận; Nghiên cứu ứng dụng chất thải chăn nuôi như một nguồn tài nguyên trong nền kinh tế tuần hoàn; Chỉ số kinh doanh khí hậu và môi trường cho các Doanh nghiệp sản xuất lúa gạo (CEBI); Hiện trạng phát thải khí nhà kính, môi trường công nghệ và năng lượng tái tạo tại Philippines; Điều tra và ước tính lượng phát thải khí nhà kính từ đất trồng lúa ở vùng ven biển tỉnh Nam Định; Quy trình nitrat hóa - khử nitrat hóa một phần tích hợp để xử lý nước thải chăn nuôi lợn. 

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu tham luận về vấn đề áp dụng định giá carbon ở Việt Nam 

PGS.TS. Vũ Thanh Ca - Khoa Môi trường ĐH TN&MT HN tham luận về vấn đề Lập kế hoạch bảo tồn để giảm phát thải carbon và hấp thụ carbon - Nghiên cứu điển hình tại tỉnh Bình Thuận, Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo tại hội trường nhà B

Các đại biểu tham luận, trao đổi các vấn đề liên quan tại hội thảo

Với mục đích trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và chuyên môn học thuật với các nhà khoa học, hội thảo quốc tế “Towards net zero emissions: Policy and Practice” (Tiến tới phát thải ròng bằng không: Chính sách và thực tiễn) đã được tổ chức thành công và nhận được sự quan tâm, thảo luận của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Các đại biểu, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng chụp ảnh lưu niệm

Chi tiết về Hội thảo và Kỷ yếu hội thảo xem Tại đây


Bài viết khác