Chuyển tới nội dung

Hội đồng Hòa bình thế giới - Quá trình hình thành và phát triển

17.11.2022

Hội đồng Hòa bình thế giới (World Peace Council) được thành lập năm 1949, có trụ sở chính (Ban Thư ký) tại Athen, Hy Lạp.


Hội nghị Ban Chấp hành Hội đồng hòa bình Thế giới (Hà Nội, 24/11/2017)

            Trong bối cảnh thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, nhất là chiến tranh thế giới thứ ba, chiến tranh hạt nhân, đã trở thành yêu cầu cấp bách và là nhiệm vụ quan trọng nhất của tất cả các lực lượng có lương tri và yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Rất nhiều tổ chức quần chúng đấu tranh vì hòa bình ra đời, tập hợp các nhà hoạt động hòa bình từ mọi tầng lớp xã hội. Trong đó, nổi bật là Hội nghị các trí thức thế giới vì hòa bình diễn ra ngày 6 tháng 8 năm 1948 tại Wroclaw, Balan. Hội nghị đã thành lập Ủy ban phối hợp các hoạt động hòa bình (Ủy ban), đóng vai trò nòng cốt trong triển khai các hoạt động đấu tranh bảo vệ nền hòa bình chung của nhân loại. 

            Ngày 25 tháng 02 năm 1949, Ủy ban đã kêu gọi tất cả các tổ chức dân chủ hoạt động vì hòa bình tiến bộ, các cá nhân trên toàn thế giới chung tay ngăn chặn nguy cơ chiến tranh và tham gia Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình. Chưa đầy 60 ngày kể từ khi phát động, đã có 18 tổ chức dân chủ quốc tế, hàng nghìn tổ chức hòa bình quốc gia và 2.900 nhân vật nổi tiếng đăng ký tham dự.

            Từ ngày 20 đến 26 tháng 4 năm 1949, hơn 1.000 đại biểu từ 75 nước đại diện cho nhiều tổ chức quần chúng quốc tế và nhiều nhân vật nổi tiếng đã tham dự Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình tại Paris. Cùng con số đại biểu và thời gian tương tự, các đoàn đại biểu từ Đông Âu, châu Á, do không được cấp visa đến Pháp, đã đến Praha, Tiệp khắc tham dự Đại hội để hưởng ứng phong trào hòa bình. Việt Nam cử 11 người tham dự Hội nghị.

            Ngày 25 tháng 4 năm 1949, Đại hội đã ra tuyên bố về những mục đích cơ bản, nguyên tắc hoạt động, điều kiện thiết yếu của tự do và hòa bình là tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; phấn đấu vì hòa bình, vì quyền tự quyết của các dân tộc; thủ tiêu vũ khí hạt nhân, dành chi phí quân sự để giảm nghèo, hạn chế  năng lực quân sự của các cường quốc; cùng tồn tại hòa bình và phát triển; phản đối và lên án mọi hành động hiếu chiến, phá hủy các quyền tự do dân chủ, reo rắc hận thù giữa các chủng tộc và dân tộc; kêu gọi vô hiệu hóa các luận điệu tuyên truyền cho một cuộc chiến tranh mới.

            Đại hội quyết định thành lập Ủy ban phối hợp (Ban Chấp hành) đặt trụ sở tại Paris do Frédéric Joliot-Curie đứng đầu. Cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 1950, Đại hội lần thứ 2 tại Warsaw, Ba Lan đã quyết định đổi tên thành Hội đồng hòa bình thế giới, cử Ban Chấp hành do ông Frédéric Joliot-Curie làm Chủ tịch. Đại hội đã ra tuyên bố ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam (Đây là Nghị quyết ủng hộ Việt Nam đầu tiên của Hội đồng) và ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Triều Tiên chống Mỹ xâm lược.

            Trong hai ngày 25 và 26 tháng 02 năm 1951, Hội nghị Ban Chấp hành Hội đồng Hòa bình thế giới lần thứ nhất họp tại Berlin, Cộng hòa Dân chủ Đức. Hội nghị đã ra lời kêu gọi 5 nước lớn bao gồm Anh, Pháp Mỹ, Liên xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký công ước hòa bình. Lần đầu tiên Việt Nam đã cử đoàn từ chiến khu kháng chiến trong nước tham dự Hội nghị. Báo Cứu quốc số 1765 ra ngày 02 tháng 3 năm 1951 đã đăng tin: 162 đại biểu của 46 nước đã ký vào bản hiệu triệu củaHội đồng Hòa bình thế giới. Trong số các đại biểu có ông Nguyễn Văn Hưởng, đại biểu Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam tham gia ký tên” (Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế ). 

            Trong những năm 1950, nhiều tổ chức dân chủ và hòa bình quốc tế ra đời, là thành viên hoặc đối tác liên kết của Hội đồng Hòa bình thế giới như: Hội nghị thế giới chống bom A-H ở Nhật Bản (tổ chức lần đầu tiên năm 1955), Tổ chức Pugwash về những vấn đề khoa học và giải trừ quân bị do Albert Einstein khởi xướng năm 1957. Đặc biệt, Hội đồng đã tham gia Đại hội thành lập Tổ chức đoàn kết nhân dân Á Phi (AAPSO)  ngày 01 tháng 01 năm 1957 tại Cairo, Ai cập. Hội đồng Hòa bình thế giới tin rằng, mở rộng phong trào nhân dân và nâng cao nhận thức của công chúng là giải pháp khả thi cho hòa bình và các vấn đề an ninh toàn cầu.

            Trong những năm 1960 – 1980, Hội đồng hoà bình thế giới là một trong những tổ chức quốc tế đóng vai trò nòng cốt trong phong trào nhân dân thế giới đấu tranh cho hoà bình, chống chiến tranh đế quốc, vũ khí hạt nhân, đoàn kết và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Á - Phi - Mỹ Latinh.

            Kể từ những năm 1990, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã, chiến tranh lạnh kết thúc khiến cục diện thế giới có nhiều biến chuyển. Tình hình khi đó đặt Hội đồng Hòa bình thế giới đứng trước nhiều khó khăn do mất đi một chỗ dựa to lớn về cả vật chất và tinh thần. Đồng thời, lúc này cũng nổi lên một cuộc tranh luận về quan điểm có tiếp tục duy trì mục tiêu chống đế quốc nữa hay không. Cho đến năm 1992, tại Đại hội tại Basel Thụy Sĩ, Hội đồng đã tiếp tục khẳng định mục tiêu chống chủ nghĩa đế quốc. Đây cũng là lần đầu tiên Đại hội nêu rõ quan điểm về việc hòa bình không chỉ là tình trạng không có chiến tranh mà còn là sự phát triển, quyền hòa bình, bảo vệ môi trường, giải quyết những vấn đề toàn cầu, giáo dục về tư tưởng và văn hóa hòa bình, dân chủ hóa Liên hợp quốc, ủng hộ các nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, trong đó có nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam.

            Ngày nay, Hội đồng Hòa bình thế giới vẫn luôn giữ vững mục tiêu từ khi ra đời: hòa bình là công việc của tất cả, là đấu tranh và ủng hộ đoàn kết với nhân dân các nước trên thế giới vì hòa bình, công lý, độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ. Hội đồng Hòa bình thế giới luôn phản đối các hành động chạy đua vũ trang, nhất là vũ khí hạt nhân; ủng hộ các nạn nhân chiến tranh, kêu gọi chấm dứt xung đột vũ trang, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine; khuyến khích xu thế hòa bình hợp tác và phát triển và tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.

            Hội đồng hòa bình thế giới hiện đã phát triển với hơn một trăm thành viên, gồm các tổ chức hòa bình quốc gia, tổ chức quần chúng dân chủ tiến bộ, có quy chế tư vấn phi chính phủ tại Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc là đối tác tin cậy của phong trào không liên kết. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Hội đồng vẫn luôn là ngọn cờ tập hợp các lực lượng hòa bình tiến bộ trên toàn thế giới; tạo diễn đàn mở để đối thoại, hợp tác kết nối ủng hộ lẫn nhau giữa các tổ chức và cá nhân nhằm thực hiện mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh đấu tranh và hòa bình và công lý như tuyên bố của Hội đồng khi ra đời.

Theo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam


Bài viết khác