Chuyển tới nội dung

Nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng KHCN sử dụng hợp lý tài nguyên

21.12.2021

Sáng 21/12, Trường Đại học TN&MT Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”. PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội chủ trì hội thảo.

PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lê Thị Trinh mong muốn, các tổ chức nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý có nhiều hoạt động hợp tác khoa học và công nghệ nhằm xây dựng và củng cố mạnh mẽ mạng lưới các cơ sở đào tạo có uy tín, nâng cao thương hiệu các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường của Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận với các chủ đề như: Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên; đánh giá, dự báo, cảnh báo, xử lý các vấn đề về môi trường; biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; quản lý rủi ro thiên tai, dự báo, cảnh báo, đánh giá thiên tai; ứng dụng khoa học công nghệ trong sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm toán môi trường… hướng tới phát triển bền vững.

Ngoài ra, còn có các nội dung khác như: Nghiên cứu đề xuất khung hướng dẫn lồng ghép nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào chiến lược, quy hoạch và kế hoạch cho Việt Nam; nghiên cứu sự thay đổi thành phần loài thực vật ngập mặn tại ven biển miền Bắc Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu; xử lý nước nhiễm mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long: so sánh và đề xuất công nghệ thích ứng; đánh giá hiện trạng chất lượng nước mùa khô trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và khả năng xử lý ứng dụng công nghệ xanh; phục hồi rừng ngập mặn bằng tường mềm dọc bờ biển đồng bằng sông Cửu Long: cơ chế vật lý và thẩm định mô hình swash; kết hợp dữ liệu vệ tinh trọng lực và thủy văn bề mặt để theo dõi diễn biến trữ lượng nước ngầm tại khu vực Bắc Trung Bộ.

Ông Nguyễn Huy Du - Viện khoa học giáo dục và kinh tế Đông Nam Á (ISA) phát biểu tại hội thảo

Trong đó vấn đề được nhiều người quan tâm là kết nối dữ liệu và chuyển đổi số tài nguyên bản địa hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học. Ông Nguyễn Huy Du - Viện khoa học giáo dục và kinh tế Đông Nam Á (ISA) cho biết, tài nguyên bản địa là từ khóa quan trọng đối với các quốc gia, mỗi nền kinh tế trong tương lai gần, sẽ trở thành vũ khí giúp cạnh tranh lành mạnh, tạo ưu thế rõ rệt khi nhắc đến “lợi thế giữa các quốc gia”. Việc vận dụng tài nguyên bản địa trong bối cảnh hiện nay cần ứng dụng công nghệ số, mới có thể phát huy được những tính đặc thù, tinh túy nhất của tài nguyên bản địa, tạo ra sự khác biệt và quý hiếm.

Chuyển đổi số là quá trình giúp cô đặc thông tin và giúp vươn xa, mở rộng độ tiếp cận tới mọi nơi mà internet có mặt. Kết nối dữ liệu để phục vụ hoạt động chuyển đổi số là giúp tiết kiệm thời gian và chi phí của các hoạt động khảo sát, tìm kiếm lời giải mới cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Toàn cảnh hội thảo

“Đặc biệt, sự kết nối dữ liệu, chuyển đổi số và tài nguyên bản địa cũng sẽ tạo ra và lưu giữ được lượng tri thức bản địa, sẽ đóng góp được vào việc phát triển tài nguyên số được khai thác trên môi trường số của mỗi quốc gia”, ông Du nhấn mạnh.

PGS.TS. Lê Thị Trinh hy vọng, hội thảo trở thành diễn đàn khoa học, nơi các nhà khoa học, các chuyên gia được gặp gỡ, chia sẻ những ý tưởng nghiên cứu, những công bố khoa học đóng góp cho sự phát triển nền khoa học công nghệ nước nhà.

Mai Đan - Báo TN&MT


 

 


Bài viết khác