Chuyển tới nội dung

Cùng HUNRE tìm cách chọn ngành nghề phù hợp với bản thân nhé!

06.12.2020

Thành công nghề nghiệp tương lai phụ thuộc quan trọng vào sự lựa chọn ngành nghề hôm nay của bạn. Mùa tuyển sinh đang đến gần, nhiều bạn học sinh đang rất khó khăn khi lựa chọn nghề nghiệp. Cùng tìm hiểu và tham khảo từ môi trường xung quanh để có thể lựa chọn cho mình ngành học phù hợp nhất nhé!

1: Hãy dành thời gian cho việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai là rất quan trọng vì công việc là một phần quan trọng của cuộc sống (cảm thấy mình có ích, thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho cộng đồng và xã hội, niềm vui sáng tạo trong công việc...). Chọn lựa nghề nghiệp không phù hợp sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực như thất nghiệp, không phát triển được nghề nghiệp, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức...Vì vậy bạn hãy dành thời gian cho những điều bạn xem là quan trọng.

2 : Loại bỏ những vấn đề sai lầm khi chọn nghề
Những sai lầm khi chọn nghề được tổng hợp sau đây: Chọn nghề chỉ có ở bậc đại học, chọn nghề theo "mác", theo "nhãn", theo phong trào mà không biết nghề đó có phù hợp với mình không, chọn nghề theo sự áp đặt hoặc rủ rê của người khác (cha mẹ, bạn bè, người yêu...), chọn nghề theo may rủi bằng những phương pháp ngẫu nhiên, chọn nghề không phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích của mình, chọn nghề mà không quan tâm đến điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội.
3 : Xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào
Để xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào, bạn hãy bắt đầu từ sở thích, tính cách và điều kiện của mình. Chọn ra những nghề nào thích hợp nhất để nghiên cứu và loại bỏ dần. Nếu có cơ hội, hãy cứ thử,sai và làm lại. Chúng ta sẽ tìm được đam mê và khả năng của bản thân. 

Việc chọn nghề còn phải xét đủ những điều kiện vật chất, xã hội, kinh tế... ở xung quanh ta, và phối hợp với nhiều phương pháp khác để đạt được hiệu quả cao nhất. Bạn hãy tận dụng các cơ hội để làm một số công việc liên quan tới nghề mình lựa chọn để khám phá năng lực, sở thích, tính cách bản thân mình có phù hợp với nghề đó hay không.
Ví dụ: làm báo tường, viết bài gửi cho các báo... để xem mình có phù hợp với nghề báo không; làm thủ quĩ lên kế hoạch chi tiêu cho lớp để xem mình có phù hợp nghề kế toán hay không, tham gia tổ chức một sự kiện như hội trại, picnic cho trường hay lớp để bạn nhận thấy năng lực lãnh đạo, khả năng giao tiếp, thuyết phục, điều phối, xử lý vấn đề của mình. Bạn có thể tới các công ty, trung tâm tư vấn về tâm lý, giáo dục, nơi đó họ có đủ sách, tài liệu, kiến thức về các nghề nghiệp để tư vấn cho bạn. Hãy tham khảo ý kiến của thầy cô, người nhà, bạn bè... để đánh giá các sở thích và khả năng của mình phù hợp với ngành nghề nào.
Hãy tham dự các buổi thuyết trình của các báo cáo viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Hãy đến thư viện, lên Internet để tìm hiểu thêm về các lĩnh vực mà mình quan tâm.
Tranh thủ nhiều nhất những điều kiện đang có để tham quan thực tế nghề nghiệp ở các công ty, tìm hiểu thêm thực tế nghề nghiệp qua một số cá nhân đang làm nghề.
Trao đổi với những ai đã thành công trong lĩnh vực bạn sắp chọn. Hỏi về cách sống, cách làm việc, tìm hiểu cả môi trường làm việc, những thách thức nghề nghiệp, những khó khăn và thuận lợi trong nghề nghiệp, điều kiện phát triển...
Khám phá xem công việc này phù hợp với những tính cách nào. Bạn đã có gì và cần phải trang bị thêm những gì, để từ đó có những định hướng hợp lý nhất và có thể điều chỉnh khi phù hợp.
Hãy để sự lựa chọn của mình mở ra với nhiều nghề nghiệp khác nhau.

 4: Xác định mục tiêu nghề nghiệp
Bạn đã lựa chọn được nghề nghiệp của mình.Bây giờ bạn hãy xác định mục tiêu cụ thể bạn muốn đạt tới trong nghề nghiệp đó và bắt đầu một kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó .bạn muốn trở thành một tiến sĩ hay một doanh nhân thành đạt? Bạn thích thu nhập cao hay cơ hội phát triển nghề nghiệp, cả hai, hay còn điều gì khác nữa? Hãy xem xét kỹ mình mong muốn điều gì ở tương lai.
 5: Cần tìm hiểu nhiều nhất về những ngành nghề mà mình lựa chọn
- Tên nghề và những nghề nghiệp chuyên môn thường gặp trong nghề.
- Mục tiêu đào tạo và nội dung đào tạo của ngành nghề.

- Nhu cầu thị trường lao động đối với ngành nghề đó.
- Những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để tham gia lao động trong nghề.
- Những nơi đào tạo ngành nghề từ hệ công nhân kỹ thuật cho đến bậc đại học.
- Đánh giá hướng phát triển của ngành nghề bạn muốn theo đuổi
- Học phí, học bổng.
- Bằng cấp và cơ hội học lên cao .
- Thời gian đào tạo và phương thức đào tạo.
- Tìm hiểu các khối thi tuyển sinh đầu vào, điểm trúng tuyển của ngành nghề đó trong ba năm liên tiếp.
- Những nơi có thể làm việc sau khi học ngành nghề.
- Những chống chỉ định y học.
- Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quá trình đào tạo của nhà trường.
- Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành nghề đó có việc làm, thành phần công việc, mức lương ...
Các thông tin này bạn có thể tìm kiếm phối hợp trên các website, cẩm nang tuyển sinh, sổ tay sinh viên của các trường, website của báo chí, quyển "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học", các cẩm nang tuyển sinh của các báo, các loại sách hướng nghiệp, các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp của các trường những người làm trong nghề...

 6: Xác định năng lực học tập của bạn
Bạn có thể dùng phối hợp một số cách sau:
- Căn cứ vào điểm học tập, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành bạn định theo học. Tìm hiểu điểm trúng tuyển của ngành nghề đó ở trường bạn muốn thi vào trong ba năm liên tiếp, từ đó so sánh với sức học của mình cho phép bạn xác định khả năng trúng tuyển của mình vào trường đó như thế nào. 

Ví dụ: Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xét tuyển bằng 2 hình thức là xét điểm thi THPT và xét điểm học bạ. Có thể xem xét học lực và điểm số của các năm gần đây để nộp hồ sơ sớm nhất, tăng cơ hội đỗ Đại học đúng chuyên ngành mình yêu thích. Hơn nữa, môi trường và thầy cô lại rất thân thiệt và nhiệt tình. Có thể nhờ các thầy cô tư vấn trực tiếp, từ khái quát đến chuyên ngành.

Lưu ý bạn rằng cùng một ngành học nhưng có thể thi đầu vào bằng nhiều khối khác nhau. Hãy chọn thi khối nào là sở trường của bạn.
- Giải thử đề thi đại học ba năm gần đây và so sánh điểm chuẩn với ngành học ở trường mà mình định thi vào để ước lượng năng lực, khả năng trúng tuyển của mình.
- Nhờ thầy/cô, người thân, bạn bè đánh giá, nhận xét.
Trên cơ sở đó bạn tự ước lượng và đánh giá năng lực bản thân, từ đó chọn ngành học, trường thi cho phù hợp với năng lực của mình.

 7: Tìm hiểu thông tin để có cách học tập và tham gia kỳ thi phù hợp
Tìm hiểu các thông về kỳ thi tuyển sinh đại học, cách thức ra đề thi, cấu trúc đề thi, phương pháp học và làm bài thi hiệu quả, kinh nghiệm khi đi thi, dinh dưỡng cho kỳ thi... để đạt hiệu quả cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh.

Tổng hợp: Phòng truyền thông và tư vấn tuyển sinh


Bài viết khác