Chuyển tới nội dung

Chọn trường Top hay chọn trường thường

27.04.2020

Trước ngưỡng cửa đăng kí ngành, đăng kí trường chắc hẳn các em cũng đang phân vân và do dự nhiều lắm đúng không? Có lẽ vì thế mà thời gian gần đây trường nhận được nhiều tin nhắn hỏi về chọn trường. Đồng cảm và chia sẻ lắm với các em vì ai cũng từng như vậy. Các em đã đọc hết các bài viết rồi mà đến giờ vẫn còn băn khoăn thì đọc thêm bài này nữa nhé.


⁉️ CHỌN TRƯỜNG TOP HAY TRƯỜNG THƯỜNG
“Học kinh tế là phải đến Neu, Ftu,… học công nghệ, kỹ thuật phải đến Hust,… hay những trường top này đào tạo mới chuẩn nhé,…” là những câu nói mà các em thường hay nghe thấy khi đọc những bài review về các trường đại học. Những câu nói như vậy có đúng không? Hi vọng những thắc mắc này của các em sẽ được giải đáp phần nào khi đọc những thông tin dưới đây nhé.
Trường top là gì?
Đây là những trường mà theo mọi người là những trường danh tiếng, có điểm trúng tuyển hàng năm cao ngất ngưởng, vượt trội hẳn so với các trường khác có cùng khối thi ở mỗi đợt thi. Hoặc theo một số người, trường top là những trường đại học ở Việt Nam nhưng dạy học theo chương trình của nước ngoài.
Liệu trường top có phải là những trường tốt nhất không?
Tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người nhưng theo ad không có trường đại học nào là tốt nhất, mỗi trường đều có những ưu và nhược điểm của mình.
Ưu điểm:
- Có môi trường học tập tốt, cơ sở vật chất hiện đại.
- Thường các trường top có lịch sử phát triển khá lâu đời nên đây là một sự lựa chọn đáng tin cậy cho các bạn học sinh và các vị phụ huynh.
- Khi em học trường top thì cha mẹ, người thân sẽ cảm thấy vô cùng tự hào và hãnh diện.
- Với một số trường có mức học phí khủng, “Mây tầng nào gặp mây tầng ý”, em sẽ được tiếp xúc, giao lưu với những bạn có điều kiện kinh tế, ở tầng lớp “thượng lưu” (ví dụ như RMIT, FTU)
Nhược điểm:
- Nhiều trường top có học phí khá đắt đỏ, do luôn nâng cấp về cơ sở đào tạo cũng như mức độ đầu tư cao. Nếu như điều kiện gia đình không cho phép thì các em cũng nên cân nhắc ngay từ đầu. Vì lên đại học không chỉ phải có tiền học phí, mà sẽ có hàng trăm các loại phí khác nữa.
- Để có cơ hội ghi danh vào các trường top trên, vượt qua tỷ lệ chọi rất cao thì kết quả học tập của các em phải rất xuất sắc để được tuyển thẳng, hoặc điểm thi THPT QG cũng phải đủ cao.
Vậy, nếu trường top có chất lượng đào tạo tốt thì phải chăng trường thường, các trường còn lại chất lượng đào tạo sẽ kém?
Câu trả lời là không. Mỗi trường đại học, để có thể mở ngành hay tuyển sinh ngành mới đều phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, vvv.
Có rất nhiều lý do để quyết định đến điểm xét tuyển của một trường.
Lý do thứ nhất, nếu như các trường top thường có lịch sử phát triển lâu đời, độ uy tín được khẳng định trong thời gian dài, tỷ lệ chọi cao thì những trường đại học mới hơn lại không được nhiều người biết đến, vì vậy tỷ lệ chọi cũng thấp.
Ngoài ra, vị trí địa lý, trình độ cơ sở vật chất cũng là yếu tố tác động nhiều đến tỷ lệ chọi cũng như điểm xét tuyển.
Bên cạnh đó, khi các trường mở ngành mới thì điểm tuyển sinh cũng thường thấp hơn các trường đã có truyền thống đào tạo lâu đời các ngành này. Vì để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường cũng như bảo đảm khả năng tự chủ tài chính của mình, bên cạnh việc đào tạo các ngành truyền thống, một số trường đại học cũng phải chủ động đổi mới, chuyển sang hướng đào tạo đa ngành đa nghề, và dĩ nhiên, phải đảm bảo chất lượng. Thậm chí, với những ngành mới mở, một số trường còn chú trọng đầu tư nhiều hơn, cập nhật kiến thức mới, tăng cường kỹ năng thực hành,... Vì vậy các em hoàn toàn có thể yên tâm, không phải trường thường, có điểm xét tuyển thấp thì chất lượng đào tạo cũng thấp.
Trường nào cũng vậy nếu các em không yêu thích và hứng thú với nó thì rất khó có thể đi hết 4 – 6 năm học ở đây. Và khi đã yêu thích và hứng thú với trường rồi thì chắc chắn các em có thể gạt bỏ hết những khó khăn trong công việc và học tập để tìm được niềm vui trong những tháng ngày sinh viên của mình.


Bài viết khác