Chuyển tới nội dung

67 năm truyền thống đào tạo Khí tượng Thủy văn

10.01.2022

Trải qua gần 70 năm đào tạo nguồn nhân lực ngành Khí tượng, Thủy văn cung cấp cho các cơ quan sử dụng lao động trong xã hội có những gặt hái nhất định. Bài viết này điểm lại quá trình phát triển cơ sở đào tạo, lượng cán bộ, sinh viên được đào tạo những năm qua.

I- Hoàn cảnh ra đời đào tạo ngành Khí tượng, Thủy văn tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Ngày 10/01/1955 lớp sơ cấp khí tượng đầu tiên với 7 học viên do Phó Chủ tịch Quốc hội, Giám đốc Nha Khí tượng, Giáo sư Nguyễn Xiển trực tiếp phụ trách và khai giảng tại số 4 Đặng Thái Thân, Hà Nội. Từ đó, ngày 10/01 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống đào tạo khí tượng thủy văn.

Quá trình phát triển của Khoa Khí tượng Thủy văn gắn liền với lịch sử phát triển của nhà trường. Trường cũng đã trải qua nhiều lần đổi tên:

Trường Sơ cấp Khí tượng: 1955-1961, 

Trường Trung cấp Khí tượng: 1961-1967, 

Trường Cán bộ Khí tượng: 1967-1976, 

Trường Cán bộ KTTV TW: 1976-1994, 

Trường Cán bộ KTTV Hà Nội: 1994-2001; 

Trường Cao đẳng KTTV Hà Nội: từ 2001 đến 2005, có Khoa Khí tượng và Khoa Thủy văn

Năm 2005, Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 2798/QĐ-BGD&ĐT ngày 01 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở hợp nhất Trường Cao đẳng Khí tượng Thủy văn Hà Nội với Trường Trung học Địa chính Trung ương I. Khi đó, Khoa Khí tượng Thủy văn và Tài nguyên nước được thành lập.

Năm 2010 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1583/QĐ-TTg ngày 23 tháng 08 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Có Khoa Khí tượng Thủy văn và Tài nguyên nước. Đến năm 2012, lĩnh vực Tài nguyên nước được tách ra để thành lập Khoa Tài nguyên nước; từ đó Khoa Khí tượng Thủy văn có tên như ngày này.

 

II – Quá trình phát triển của Khoa Khí tượng Thủy văn và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực Khí tượng Thủy văn.

Lịch sử xây dựng và phát triển, đào tạo của Khoa được chia thành nhiều thời kì và luôn gắn với các giai đoạn phát triển của Nhà trường và của Ngành Khí tượng Thủy văn.

Thời kì 1955-1960, thời kì Hòa bình lập lại, lúc Ngành Khí tượng phải nhanh chóng có được một đội ngũ cán bộ để phục hồi và xây dựng lại mạng lưới trạm quan trắc. Chính vì vậy, Nha Khí tượng phải cấp tốc mở Trường Sơ cấp Khí tượng. 

Thời kì 1961-1966 là thời kì miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Công cuộc xây dựng đất nước và phục vụ chiến đấu đã đòi hỏi ngành Khí tương phải đẩy mạnh công tác dự báo thời tiết, phục vụ kinh tế quốc dân, đặc biệt là phục vụ quốc phòng. Như vậy, đội ngũ cán bộ sơ cấp không thể đáp ứng được mà phải có một bậc đào tạo mới cao hơn. Do vậy việc nâng cấp Trường thành Trường Trung cấp Khí tượng như một tất yếu đặt ra và năm 1961, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 115Cp thành lập Trường Trung cấp Khí tượng. 

Đến lúc này, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nhân viên phục vụ được bổ sung và tổ chức theo hệ thống phòng và tổ bộ môn: Phòng Giáo vụ, Phòng Hành chính và Tổ Giáo viên. Chương trình và giáo trình giảng dạy được biên soạn, nhiều tài liệu của Liên Xô và Trung Quốc đã được biên dịch làm tài liệu giảng dạy. Giữa lúc này (năm 1964) Giặc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc nước ta. Lúc đó, Nhà trường đã phải rời Hà Nội đi sơ tán về Hà Bắc. 

Thời kì 1967-1976 là thời kì miền Bắc vừa phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lại vừa phải chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, những yêu cầu của đất nước đối với ngành Khí tượng không ngừng tăng lên, đặc biệt là phục vụ cho pháo binh, hải quân, không quân. Cho nên, ngành Khí tượng cần phải có bậc đào tạo mới có trình độ cao hơn. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 14/8/1967 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 125/CP cho phép Nha Khí tượng mở lớp chuyên tu đại học tại Trường Trung cấp khí tượng. Quyết định đó đã mở ra cho Trường một vận hội phát triển mới với nhiệm vụ mới cao hơn: vừa đào tạo trung học vừa đào tạo chuyên tu đại học và cái tên Trường Cán bộ Khí tượng đã được hình thành. Cuối năm đó, lớp chuyên tu đại học khoá I đã được tổ chức. 

Để thực hiện nhiệm vụ đào tạo chuyên tu đại học, hàng chục cán bộ có trình độ đại học đã được điều về làm cán bộ giảng dạy nên đội ngũ giáo viên được tăng cường cả về lượng cũng như về chất, tỉ lệ giáo viên tốt nghiệp đại học tăng lên và Tổ giáo viên được tổ chức thành Tổ giáo viên đại học và Tổ giáo viên trung học. 

Năm 1976 Tổng cục KTTV được thành lập và Nhà trường được tiếp nhận nhiệm vụ đào tạo ngành Thuỷ văn và Trường được đổi tên thành Trường Cán bộ KTTV. Vào thời kì này, đội ngũ giáo viên của Khoa được tăng cường và được biên chế lại thành 2 tổ: Tổ Khí tượng, Tổ Thuỷ văn. 

Ngày 31/3/1976  Giám đốc Nha khí tượng đã tiếp nhận 20 học sinh trung học Lào vào Trường Cán bộ Khí tượng Trung ương đào tạo chuyên ngành Khí tượng, kể từ đó Trường đã đào tạo hệ Trung cấp và chuyên tu đại học ngành Khí tượng, Thủy văn cho 2 nước bạn Lào và Cămpuchia cho đến năm 1993 có sinh viên cuối cùng ra trường. Nhà trường đã đào tạo nguồn nhân lực có trình độ Trung cấp và Đại học Khí tượng, Thủy văn cho hai nước Lào và Cămpuchia được hàng trăm người.

Năm 2001, Trường Cao đẳng KTTV Hà Nội được thành lập trên cơ sở Trường Cán bộ KTTV Hà Nội với nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học và  đào tạo từ cao đẳng trở xuống về khí tượng thuỷ văn. Vào thời kì này, Khoa Khí tượng và Khoa Thủy văn được thành lập trên cơ sở hai Tổ Khí tượng và Tổ Thuỷ văn. 

Năm 2005, Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 2798/QĐ-BGD&ĐT ngày 01 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở hợp nhất Trường Cao đẳng Khí tượng thủy văn Hà Nội và Trường Trung học địa chính Trung ương I. Từ đó  Khoa Khí tượng Thủy văn và Tài nguyên nước được thành lập.

Năm 2010 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1583/QĐ-TTg ngày 23 tháng 08 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có Khoa Khí tượng Thủy văn và Tài nguyên nước và đến năm 2012 là Khoa Khí tượng Thủy văn như đã nói.

III – Kết quả đào tạo những năm qua

67 năm qua, Khoa đã đào tạo được: 

- 13 khóa sơ cấp với hàng trăm kỹ thuật viên sơ cấp, 

- 45 khoá trung cấp với gần 5.000 học sinh, 

- 14 khoá cao đẳng với gần 1.000 sinh viên, 

- 24 khoá chuyên tu đại học với gần 700 sinh viên, 

- 7 khóa đại học chính quy, 

- 8 khóa đại học vừa làm vừa học, 

- 5 khóa liên thông đại học chính quy, 

- 5 khóa cao học với hàng trăm thạc sĩ.  

- Các khóa đào tạo trình độ trung cấp khí tượng cho Hàng không Việt Nam

- Các khóa đào tạo trình độ trung cấp khí tượng cho Không quân

- Và hàng trăm lưu học sinh Lào và Căm pu chia được đào tạo ngành Khí tượng, Thủy văn từ năm 1976 đến năm 1993. 

Hiện nay khoa đang đào tạo khóa 6 cao học, các khóa 8, 9, 10, 11 đại học chính quy và các khóa 9, 10, 11 hệ liên thông vừa làm vừa học.

Hiện nay, số cán bộ do Khoa đào tạo chiếm hơn 1/2 số cán bộ Ngành KTTV, hầu hết cán bộ khí tượng không quân, hàng không dân dụng và nhiều cán bộ cho các ngành giao thông, nông nghiệp, thuỷ sản,... 

Tóm lại, Ngành đào tạo Khí tượng Thuỷ văn đã có từ 67 năm qua đã thừa hưởng một bề dày lịch sử gần 70 năm với những tên gọi và cơ cấu tổ chức khác nhau. Đó là Tổ giáo viên Khí tượng và Tổ giáo viên Thuỷ văn gắn với Trường Cán bộ Khí tượng Thuỷ văn Hà Nội; Khoa Khí tượng và Khoa Thủy văn gắn với Trường Cao đẳng Khí tượng Thủy văn Hà Nội; Khoa Khí tượng Thủy văn và Tài nguyên nước gắn với Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường rồi Khoa Khí tượng Thủy văn gắn với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường 

 

Một số hình ảnh qua các thời kỳ

Thầy Ngô Vinh – Cố Hiệu trưởng Trường CB Khí tượng thủy văn (đứng giữa) Cùng tập thể lớp D14 và các thầy đang trực tiếp giảng dạy

 

Lễ bế giảng lớp D21

Lớp Khí tượng Không quân 2000 – 2002

 

Trần Quốc Việt, Phạm Minh Tiến, Nguyễn Bình Phong

Khoa Khí tượng Thủy văn – Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

 

 


Bài viết khác